Nhập khẩu phi mậu dịch là gì? Phân biệt hàng hóa mậu dịch và phi mậu dịch
Nhập khẩu phi mậu dịch là hình thức giao dịch thương mại quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, đặc biệt là đối với các quốc gia có nền kinh tế mở và có quan hệ thương mại quốc tế phát triển. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nhập khẩu phi mậu dịch, quy định và những yếu tố cần lưu ý khi tham gia vào loại hình này.

1. Thế nào là hàng hóa phi mậu dịch?
Trước khi tìm hiểu về nhập khẩu phi mậu dịch, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm về hàng hóa phi mậu dịch. Vậy, thế nào là hàng hóa phi mậu dịch và đặc điểm của chúng ra sao?
1.1 Khái niệm hàng hóa phi mậu dịch
Hiểu đơn giản, hàng hóa phi mậu dịch có thể hiểu là hàng xuất nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, không thanh toán. Nhập khẩu phi mậu dịch là hàng không có hợp đồng và hai bên thường dùng hình thức thỏa thuận để thay thế.
1.2 Danh mục hàng hóa phi mậu dịch
Danh mục các loại hàng hóa phi mậu dịch bao gồm:
- Quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và ngược lại.
- Hàng hóa nhằm mục đích viện trợ nhân đạo.
- Tài sản di chuyển của các tổ chức hoặc cá nhân.
- Hàng hóa của Cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người đang làm việc tại cơ quan này.
- Hàng mẫu không cần trả tiền.
- Dụng cụ làm việc tạm xuất, tạm nhập có thời hạn của cơ quan, tổ chức, của người xuất cảnh, nhập cảnh.
- Hàng hóa tạm nhập khẩu, xuất khẩu của cá nhân được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế.
- Hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận đơn…
- Một số loại hàng hóa phi mậu dịch khác.
Đọc thêm: Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu

1.3 Phân biệt hàng hóa phi mậu dịch và hàng hóa mậu dịch
Hàng hóa phi mậu dịch và hàng hóa mậu dịch có một số điểm giống nhau như:
- Cả hai đều phải trả một số khoản phí quốc tế theo quy định và thuế GTGT.
- Đều cần kèm theo hóa đơn để cơ quan có thẩm quyền kiểm soát được giá trị và kiểm định hàng hóa.
Bên cạnh những điểm giống nhau, hai loại hàng hóa này còn có một số điểm khác biệt như:
- Mục đích: Hàng hóa mậu dịch dùng để kinh doanh, mua bán. Trong khi đó, hàng hóa phi mậu dịch chỉ dùng để biếu tặng, viện trợ, hoặc làm hàng mẫu, hàng quảng cáo.
- Thời gian giao nhận hàng hóa: Hàng hóa phi mậu dịch có thời gian giao nhận hàng ngắn hơn hàng hóa mậu dịch.

2. Chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch
Theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch sẽ được áp dụng mức thuế khác với hàng hóa nhập khẩu phục vụ mục đích thương mại. Dưới đây là một số điểm quan trọng độc giả cần lưu ý:
2.1 Tổng hợp mặt hàng phi mậu dịch không áp thuế
Không phải tất cả các loại hàng hóa phi mậu dịch đều bị áp thuế nhập khẩu. Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 134/2016/NĐ-CP, hàng hóa phi mậu dịch không bị áp thuế bao gồm:
- Hàng hóa xuất nhập khẩu được miễn thuế theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
- Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, có giá trị hải quan dưới 1 triệu đồng, hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 1 triệu đồng thì sẽ được miễn thuế.
- Hàng hóa có giá trị hải quan dưới 500.000 VNĐ hoặc tổng số tiền thuế XNK phải nộp nhỏ hơn 50.000 VNĐ cho mỗi lần XNK thì sẽ được miễn thuế.
Ngoài ra, hàng nhập khẩu phi thuế quan, hàng viện trợ nhân đạo cũng được miễn thuế.
2.2 Hàng nhập khẩu phi mậu dịch phải chịu những loại thuế, phí nào?
Hàng hóa phi mậu dịch khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chịu các khoản thuế phí sau:
- Thuế nhập khẩu: Là loại thuế áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Mức thuế này không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
- Thuế GTGT: được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu và phân phối.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: Áp dụng cho một số mặt hàng đặc biệt như xăng, rượu, thuốc lá, ô tô, xe máy…
Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch có thể phải chịu một số loại phí khác như: phí chuyển phát nhanh, phí dịch vụ hải quan, xử lý hàng hóa tại cảng và một số loại thuế phí khác.
2.3 Công thức tính thuế áp dụng cho hàng nhập khẩu phi mậu dịch
Công thức tính thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu = Trị giá CIF x Thuế suất
Trong đó, trị giá CIF là tổng giá trị xuất xưởng của mặt hàng cộng thêm các loại thuế, phí khác.
Công thức tính thuế VAT nhập khẩu
Thuế VAT = (Trị giá CIF + Thuế nhập khẩu) x % Thuế suất (thông thường là 10%)
3. Lưu ý khi thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng phi mậu dịch
Hiện nay, việc khai báo hàng hóa phi mậu dịch tại Việt Nam được thực hiện trên hệ thống VNACCS, và các thủ tục nhập khẩu được thực hiện tại các chi cục hải quan cửa khẩu. Để làm thủ tục nhập khẩu cho loại mặt hàng này, có một số điểm quan trọng cần lưu ý, như sau:
- Mã loại hình nhập khẩu là H11.
- Nếu cá nhân làm thủ tục nhập khẩu mà không có mã số thuế thì cần khai báo qua đại lý hải quan.
- Nếu hàng hóa là chứng từ thì không cần mở tờ khai.
- Trường hợp hàng hóa có giá trị thấp (dưới 1 triệu đồng) thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Trên đây là tổng hợp những thông tin quan trọng về hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch. Hải quan điện tử ECUS hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều kiến thức hữu ích cho quý độc giả để hoàn thành việc nhập khẩu dễ dàng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ với ECUS qua số tổng đài CSKH 1900 4767 để được hỗ trợ nhanh nhất.
Nguyệt Nga
📆 Ngày xuất bản: 05/5/2025